Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, các gợi ý thảo luận do cơ quan thẩm tra chuẩn bị, các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu thống nhất với sự cần thiết của việc ban hành luật… khi đặt trong sự đồng bộ xây dựng ban hành các luật liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Để góp phần hoàn chỉnh những điều khoản cần sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, đại biểu quan tâm đến vấn đề thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung thời hạn ra quyết định huỷ Giấy đăng ký hoạt động đã cấp của Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cũ bằng cụm từ “trong vòng 3 ngày” trước cụm từ “sau khi nhận” trong câu cuối của đoạn 2 thuộc điểm b khoản 6 của dự thảo luật này để làm rõ chức năng, trách nhiệm, không để chậm trễ và không chồng chéo trong quản lý .
Đối với quy định được bổ sung tại khoản 2a về đấu giá quyền sử dụng đất, bà Sửu cho rằng cần điều chỉnh một số nội dung về quy định rõ trách nhiệm của tổ chức hành nghề đấu giá; bổ sung quy định bổ túc hồ sơ và ấn định thời hạn đối với thành phần hồ sơ đảm bảo các điều kiện, tiêu chí cứng tham gia đấu giá để tạo điều kiện, thu hút người tham gia đấu giá có năng lực tài chính, đầu tư.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, về hủy kết quả đấu giá tài sản sửa đổi bổ sung khoản 4, Điều 72 tại khoản 24, Điều 1 của dự thảo luật là chưa đầy đủ. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu dẫn chứng, trong thực tế còn trường hợp sau khi đấu giá và có quyết định công nhận kết quả đấu giá, nhưng người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền theo quy định dẫn đến tài sản đấu giá không thành công.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về huỷ kết quả trúng đấu giá tài sản đối với trường hợp: “Người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” cho thống nhất với điểm b, khoản 2, Điều 48 Luật Đấu giá hiện hành quy định về nghĩa vụ của người trúng đấu giá và khoản 21, Điều 1, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ một số nội dung cụ thể về trình tự thủ tục nhằm hạn chế thông đồng, dìm giá, quân xanh – quân đỏ và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 26 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các ĐBQH.
Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết xây dựng dự án luật và nội dung nhiều Điều, khoản trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời khắc phục những hạn chế tiêu cực hiện nay trong lĩnh vực đấu giá tài sản, đảm bảo công khai, minh bạch, lành mạnh.
Trước đó, trong phần biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật này.