Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là việc khó, phải làm
Ngày cập nhật 13/06/2022
Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp được quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng.

Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm là việc tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra khi tổ chức đảng có biểu hiện không tuân theo, không làm hoặc làm trái quy định để xem xét, đánh giá, kết luận có hay không có vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là việc tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra khi đảng viên có biểu hiện không tuân theo, không làm hoặc làm trái quy định để xem xét, đánh giá, kết luận có hay không có vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

Trên tinh thần đó, trong năm 2021 và quý I năm 2022, UBKT các cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm tra 14 tổ chức đảng, 66 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (trong đó UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 02 tổ chức đảng, 02 đảng viên; UBKT huyện ủy và tương đương kiểm tra 08 tổ chức đảng, 34 đảng viên; UBKT đảng ủy cơ sở kiểm tra 04 tổ chức đảng, 30 đảng viên). Nội dung tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; những điều đảng viên không được làm; công tác cán bộ... Qua kiểm tra, đã kết luận 14 tổ chức đảng, 66 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 03 tổ chức đảng, 27 đảng viên; các tổ chức đảng và đảng viên còn lại có vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ trên của UBKT các cấp đã có ý nghĩa, tác dụng rất quan trọng đối với tổ chức đảng, đảng viên, thể hiện trên các mặt:

Thứ nhất, kết luận rõ đúng, sai, xác định rõ vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để xem xét, xử lý kịp thời, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đảng; bảo đảm cho Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, các nguyên tắc tổ chức của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc.

Thứ hai, giúp cho tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra thấy được ưu điểm để phát huy; thiếu sót, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm để khắc phục, sửa chữa.

Thứ ba, góp phần chủ động giáo dục, phòng ngừa, "răn đe"; ngăn chặn kịp thời, không để khuyết điểm trở thành vi phạm hoặc vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng, vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người, của tổ chức.

Thứ tư, giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên được kiểm tra thấy rõ trách nhiệm của mình, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục, rèn luyện và kiểm tra, giám sát đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ năm, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm chỉ tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, những nơi trọng điểm giúp cho công tác kiểm tra có chất lượng, hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian và vật chất, góp phần xây dựng, chỉnh đốn đảng; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ sáu, giúp tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thấy được những hạn chế, bất cập trong trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và trong hoạt động của mình; thấy được những quy định không còn phù hợp hoặc còn thiếu để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định cho chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ bảy, góp phần thực hiện tốt quan điểm: Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát "giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm" để chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm từ khi mới manh nha.

Quá trình kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, nhất là kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ chủ chốt khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại vì đối tượng kiểm tra ngại bị kiểm tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín, thành tích, do đó thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, đối phó, phản ứng và thiếu cộng tác. Tổ chức đảng có liên quan thường e ngại, không muốn hợp tác trong quá trình kiểm tra. Bên cạnh đó, một bộ phận UBKT và cán bộ kiểm tra thiếu bản lĩnh, thiếu dũng khí chiến đấu, nên có biểu hiện né tránh, nể nang, ngại va chạm, do đó lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng của nó như đã nêu trên, thì nhiệm vụ này cấp ủy và UBKT các cấp cần phải vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả để xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 2.936