Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua 4 cơ chế, chính sách đặc thù của Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 14/10/2021
Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tại phiên họp lần thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã xem xét, cho ý kiến nội dung Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp

Tham dự về phía Thừa Thiên Huế có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Nhân dân cả nước sẽ đồng tình, ủng hộ

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban TVQH đã thảo luận về 4 cơ chế đặc thù tại dự thảo nghị quyết, bao gồm: Về phí tham quan di tích; về Quỹ bảo tồn di sản Huế; về mức dư nợ vay; về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý. Trong đó, nhất trí ban hành Nghị quyết nhằm huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa. 

Đáng chú ý là ý kiến đóng góp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cho phép Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương, có tiêu chí và định hướng riêng. Theo đó, Thừa Thiên Huế phát triển theo một thành phố di sản văn hóa của Việt Nam, thậm chí của khu vực và thế gới. Định hướng này rất độc đáo, rất sáng tạo, do đó cơ chế, chính sách đặc thù nếu khai thác hết các yếu tố này (thế nào là thành phố di sản, để trở thành thành phố di sản thì Huế cần cái gì) sẽ phát triển Huế theo một thành phố riêng có.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, cần nghiên cứu, đưa thêm vào nghị quyết một số nghị quyết của Chính phủ như phát triển đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và các cơ chế chính sách đặc thù khi đầu tư vào Thừa Thiên Huế... Nhấn mạnh đây là nghị quyết thí điểm nên sau này khi Chính phủ tổ chức tổng kết nếu thấy tốt, có thể nghiên cứu kỹ hơn thì trình sửa đổi, bổ sung. Theo tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban TVQH đồng tình cao và ủng hộ việc sẽ xem xét, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 sắp tới. “Tin rằng, với sứ mệnh xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương thì Nhân dân cả nước sẽ đồng tình và sẽ ủng hộ Thừa Thiên Huế”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên họp

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cảm ơn Quốc hội, Ủy Ban TVQH đưa dự thảo nghị quyết của tỉnh vào chương trình nghị sự lần này. Khẳng định nhóm cơ chế, chính sách đề xuất lần này đã được nghiên cứu, thảo luận kỹ với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương. Ngoài 4 nhóm cơ chế đã trình bày trong dự thảo nghị quyết, nếu được, tỉnh đề nghị Ủy ban TVQH cho thêm cơ chế thứ 5 đó là trường hợp thuế xuất nhập khẩu đạt kế hoạch đề ra sẽ để địa phương trích lại 70% để tăng nguồn lực cho tỉnh phát triển, sớm hoàn thành Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban TVQH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Thống nhất hồ sơ dự thảo của nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Ủy ban TVQH nhất trí trình Quốc hội cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Thứ nhất, về mức dư nợ vay, Thừa Thiên Huế được vay với tổng dư nợ vay không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định.

Về việc ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số theo Nghị quyết của Ủy ban TVQH quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết 100%, thống nhất trình nghị quyết lên kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: ngân sách tỉnh được hưởng toàn bộ phí tham quan di tích trên địa bàn. Nguồn thu này của địa phương được loại trừ khi tính cân đối ngân sách và phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố. Việc thí điểm thực hiện chính sách này phải đánh giá kỹ tác động, đảm bảo hiệu quả; có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của các địa phương; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.

Về nguồn thu để lại khi bán tài sản công gắn liền trên đất, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Tỉnh.

Về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản, đồng ý trình Quốc hội cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế nhưng cần nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh Nghị quyết đảm bảo tính khả thi cho việc huy động các nguồn thu của Quỹ nhất là việc hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương khác; không được sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ Quỹ; cần có những qui định để bảo đảm việc quản lý sử dụng Quỹ đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp Luật và Ủy ban Tài chính ngân sách để hoàn chỉnh các qui định liên quan đến việc thành lập Quỹ.

Đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Thừa Thiên Huế Online

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 40