(CTTĐT) - Sáng ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương. Dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, đại diện một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị.
Hội nghị được tổ chức để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực chống COVID-19, đại dịch ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.
Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.
Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhờ những nỗ lực lớn, những giải pháp quyết liệt, hiệu quả mang tính toàn cầu, toàn dân; kinh tế từng bước phục hồi và phát triển, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã vượt qua đại dịch COVID-19, một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng, cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Theo Thủ tướng, dù trong phòng chống dịch có nhiều ý kiến khác nhau nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, điều quan trọng là chúng đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không làm được, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Thủ tướng xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng, chống dịch. Theo Thủ tướng, chúng ta đã trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở trong tình huống dịch bệnh chưa có tiền lệ, không dự báo được tình hình, khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như hậu quả của việc nhiễm bệnh.
Việc phòng chống dịch ở thời điểm đó là "vô cùng khó khăn", "khó khăn tứ bề" khi "trong tay không có gì khác", không có vaccine, không có test kit… ngoài hệ thống y tế được thiết lập trong điều kiện bình thường, hệ thống này có thể đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện bình thường nhưng không thể đáp ứng trong điều kiện bất thường, khẩn cấp về y tế.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong phòng, chống dịch, trong đó tập trung nhận định kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, chia sẻ các cách làm hay, các phong trào, mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch để đúc rút thành kinh nghiệm, từ đó chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng, đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội…
Tại Hội nghị, các đại biểu xác định những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đúc rút trong phòng, chống dịch để từ đó chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống KTXH.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các đại biểu, đặc biệt là của Tổ chức Y tế Thế giới.
Về công tác chỉ đạo điều hành phòng chống dịch, Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình diễn biến phức tạp hơn, thành lập hệ thống chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận đúng với việc xác định cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, do dân, vì dân; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết,trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân.
Công tác phòng, chống dịch đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng, đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, Ban chỉ đạo các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ bộ đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19; đồng thời, tri ân sự hy sinh, đóng góp ý nghĩa, cao cả của các lực lượng, người dân tham gia phòng chống dịch, các nhà hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân và doanh nghiệp, chia buồn với những gia đình đã mất người thân.
Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia một lần nữa cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go với dịch bệnh.
Nhất trí cao với các bài học kinh nghiệm mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung:
Thứ nhất, công tác phòng, chống dịch luôn đặt dưới sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thứ hai, phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp, những thời khắc khó khăn, sáng suốt, linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Thứ ba, phát huy đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Cùng với đó, phải chuẩn bị năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở ở mức cao hơn bình thường; nhanh chóng khắc phục hậu quả mà đại dịch gây ra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh…
Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch; triển khai Luật Khám chữa bệnh vừa ban hành; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch…
Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm.
Thủ tướng cho rằng, dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.