Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Phú Vang: Những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị
Ngày cập nhật 13/08/2024
 
 

Xác định Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là Nghị quyết có tầm chiến lược để hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng “Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”; thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần cùng với cả tỉnh sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Nghị quyết 54).

Thống nhất ý chí và hành động

Nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết 54, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức sinh hoạt chuyên đề để nghiên cứu các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 54; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện triển khai nghiêm túc việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết; kêu gọi và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Kịp thời lãnh đạo ban hành các văn bản để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, chương trình hành động và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 54; theo đó, Huyện ủy đã ban hành 03 chương trình trọng điểm, 05 Nghị quyết chuyên đề, 06 Chương trình hành động và các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện.

Thông qua quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc học tập, nghiên cứu và triển khai thực hiện Nghị quyết 54 với quyết tâm chính trị cao, góp phần cùng với cả tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết 54

Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển đúng định hướng “Dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng - Nông nghiệp”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 10,74% (năm 2021) lên 14,09% (năm 2023); thu nhập bình quân đầu người đạt 67,7 triệu đồng/năm (tăng 12,61 triệu đồng so với năm 2020). Giá trị thu hoạch/ha diện tích canh tác đất nông nghiệp đạt 86 triệu đồng/năm (tăng 13 triệu đồng so với năm 2020). Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm đạt 25.252 tấn. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng thêm 11.797  tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 1.442 tỷ đồng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng/tuổi giảm từ 8,4% năm 2020 xuống còn 6,85% năm 2023. Tỷ lệ dân số sử dụng nước máy đạt 94,44%. Lao động qua đào tạo đạt 68,87%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 4,07% năm 2020 xuống còn 2,27% năm 2023. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,21%. Tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý đạt 94%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,65%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững; phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đổi mới mạnh mẽ về phát triển kinh tế biển và đầm phá, trọng tâm là phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch biển và đô thị biển. Xác định kinh tế biển, đầm phá là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính bền vững, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của tỉnh. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế gắn với tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chú trọng phát triển thế mạnh của huyện về dịch vụ, du lịch biển và đầm phá, tập trung đầu tư, chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng các bãi biển Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh An. Lĩnh vực Công nghiệp - TTCN, ngành nghề nông thôn có những chuyển biến đáng kể, duy trì tốc độ tăng trưởng, quy mô và sản lượng.

Phát triển hạ tầng đô thị theo hướng dịch vụ du lịch biển và đầm phá, từ năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư nâng cấp mở rộng hạ tầng bãi tắm Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh và Vinh An, hạ tầng phát triển du lịch đầm Sam Chuồn với tổng mức đầu tư 53,6 tỷ đồng. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá tại đô thị Vinh Thanh, Phú Đa, Phú Thuận, Phú An, Phú Mỹ và các điểm dân cư nông thôn theo định hướng phát triển đô thị; đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện đạt 33,21%.

Tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đã tiến hành quy hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Đô thị Vinh Thanh và vùng phụ cận. Lập hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; quy hoạch chung Đô thị mới Phú Mỹ, huyện Phú Vang đến năm 2045; quy hoạch chung đô thị mới Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045; quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) Khu vực Phú Thuận; quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu dịch vụ du lịch Phú Diên và điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Phú Đa. Phối hợp với chủ đầu tư và các sở, ban, ngành quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân; quy hoạch giao thông tỉnh bổ sung tuyến đường kết nối từ Khu B đô thị mới An Vân Dương về thị trấn Phú Đa và cầu qua phá Tam Giang. Bên cạnh đó, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng 9 xã.

Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh, trên địa bàn huyện đã triển khai tích cực các dự án xây dựng cơ bản, hoàn thành các dự án lớn trọng điểm như Đường Phú Mỹ - Thuận An tổng mức đầu tư 371 tỷ đồng; Chợ Mai - Tân Mỹ tổng mức đầu tư 195,8 tỷ đồng; Đường Tây Phá Tam Giang - Cầu Hai 105 tỷ đồng; Hạ tầng đô thị Phú Đa tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Thực hiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng cầu vượt đầm phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa và xã Vinh Xuân, với tổng mức đầu tư hơn 1.023 tỷ đồng; đường Tây phá Tam Giang - Cầu Hai nối dài tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông; đã nâng cấp 71 km đường bê tông giao thông nông thôn, hoàn thiện hệ thống tín hiệu giao thông, biển báo, đèn chiếu sáng tại các tuyến đường huyết mạch như Tỉnh lộ 10A, 10B, Võ Phi Trắng, Quốc lộ 49B và các tuyến đường nội thị.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Từ năm 2020 đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã huy động được 11.797 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; chương trình trọng điểm phát triển kinh tế biển và đầm phá, trọng tâm là phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch biển và đô thị biển; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững 57,62 tỷ đồng; Chương trình phát triển nguồn nhân lực;…

Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kêu gọi đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch biển, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia khai thác tiềm năng du lịch biển. Xúc tiến phát triển thị trường nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ của huyện vào các kênh phân phối bán lẻ của tỉnh và tham gia các hội chợ triển lãm trên địa bàn.

Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy “về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”“về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; “về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; “về xây dựng Thừa thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Chương trình trọng điểm về xây dựng Nông thôn mới, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư 38 công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới với tổng kinh phí 137.399 tỷ đồng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 06 xã Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Lương, Vinh An, Phú Xuân, Phú Diên đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 12 xã, đạt 92,3%. Tiến hành rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao đối với 03 xã Phú Thuận, Phú Hồ và Phú Hải. Chương trình mục tiêu quốc về giảm nghèo bền vững đạt những kết quả tích cực; đã tiếp cận và phân bổ các nguồn vốn đầu tư về giảm nghèo bền vững với tổng trị giá 57,627 tỷ đồng.

Lãnh, chỉ đạo có hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Với những nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, 04 năm liền Đảng bộ huyện Phú Vang được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có thể khẳng định rằng, qua hơn 04 năm thực hiện Nghị quyết 54 và Chương trình hành động 69 của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Bộ mặt đô thị từng bước được hình thành, khu trung tâm huyện và một số khu trung tâm các xã được đầu tư chỉnh trang ngày càng khang trang. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, năng lực sản xuất tiếp tục tăng lên. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao được nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm tốt hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện. Quốc phòng được củng cố, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần củng cố niềm tin, ý chí và tạo động lực mới cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện nhà phát triển trên chặng đường mới. Những kết quả nổi bật trên đã góp phần cùng với toàn tỉnh sớm đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Bùi Hưng
thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 115