Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ tại Đề án 06. Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là: Xây dựng Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 giữa Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; Triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 04/4/2023 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; Thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; Triển khai kết nối các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ Công an với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; Đăng ký các mô hình điểm về thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ công dân số.
Về nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Kết quả thực hiện 11 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh (từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/4/2023). Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết: 32.306 hồ sơ. Kết quả thực hiện các dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành khác (từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/4/2023).Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, giải quyết: 5.062 hồ sơ.
Tiến độ tích hợp các thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia: Hiện đã cung cấp 1.928 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương lên Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính quốc gia. Trong đó, có 1.423 dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 73,81%.
Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, công dân số:Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 1.070.060 hồ sơ cấp CCCD gắn chip; 300.470 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, trong đó, số tài khoản đã được kích hoạt: 69.563 tài khoản.Về thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh: Đã mở tài khoản đối với 46.674 đối tượng; Thực hiện chi trả bằng phương thức điện tử đối với 31.396 đối tượng.
Công an tỉnh, Sở Tư pháp đã thường xuyên chỉ đạo Công an, Tư pháp cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp để rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch của công dân và kịp thời cập nhật những thay đổi, bổ sung hộ tịch vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong tháng 4/2023, đã điều chỉnh, cập nhật 1.033 trường hợp công dân có thay đổi, bổ sung hộ tịch vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến nay, số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ Bảo hiểm y tế giấy còn hạn sử dụng là 968.129 trường hợp; có 177/181 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng CCCD với 82.254 lượt tra cứu, trong đó 64.086 lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh. Triển khai thực hiện việc rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu hội viên vào phần mềm quản lý hội viên trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả, đã cập nhật 73.866 dữ liệu hội viên Hội Người cao tuổi; 61.356 dữ liệu hội viên Hội Nông dân; 13.438 dữ liệu hội viên Hội Cựu chiến binh.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Đề án 06 đề nghị Công an tỉnh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan hoàn thành Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 giữa Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình điểm Đề án 06 tại đơn vị, địa phương mình. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Công an tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai Dự án Số hóa dữ liệu hộ tịch theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Qua đó, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh bảo đảm tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác, thường xuyên với Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và Phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ Công an với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; nghiên cứu triển khai phương án đồng bộ tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an quản lý với tài khoản của Hệ thống ứng dụng Hue-S. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... để người dân biết và thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ; tiến hành rà soát, điều chỉnh thành phần hồ sơ các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công liên quan đến thông tin về cư trú của công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của đơn vị mình.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương huy động lực lượng và triển khai các giải pháp rà soát, làm sạch dữ liệu, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân đối với công dân trong độ tuổi; thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử đối với 100% công dân từ 14 tuổi trở lên đủ điều kiện. Đồng thời, triển khai các mô hình điểm về dịch vụ công, đẩy mạnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu.