Ủy ban nhân dân tỉnh vửa ban hành Kế hoạch 182 /KH-UBND về thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số Y tế; dữ liệu của người dân sau khi số hóa được bảo mật mức tối đa nhằm mục đích phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số Y tế khác cũng như các hệ thống thông tin, các ứng dụng chuyên ngành Y tế góp phần thúc đẩy Chuyển đổi số ngành Y tế. Kế hoạch triển khai thúc đẩy các nền tảng Y tế số song song với việc hình thành nội dung dữ liệu và phải thực hiện đồng thời với quá trình số hóa thông tin sức khỏe người dân hình thành kho dữ liệu Quốc gia về Y tế. Phát huy tính chủ động và vai trò của các cấp chính quyền gắn liền với việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Quyết định số 06/QĐ-TTg).
Với mục tiêu, thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu Quốc gia về Y tế và kho dữ liệu về Y tế của tỉnh, phục vụ Chuyển đổi số ngành Y tế. Thực hiện Chuyển đổi số trong toàn ngành Y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế địa phương hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Giai đoạn 2023-2025: Tiếp tục tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm Y tế, Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023 của Bộ Y tế về chuẩn dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý chi phí khám chữa bệnh. Triển khai, xây dựng ban hành các quy định về mô hình nghiệp vụ để thúc đẩy việc hoàn thiện các nền tảng số Y tế thuộc danh mục các nền tảng số Quốc gia phục vụ Chuyển đổi số, Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Thúc đẩy triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; đăng ký lịch khám; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (Hue-S); nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở y tế để đáp ứng yêu cầu Chuyển đổi số trong từng giai đoạn. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu Hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2026-2030: Hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu Y tế về: Hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, ... Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số, người dân có thể thực hiện đăng ký khám và đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (đặc biệt trên Hue-S) và các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 50% trên tổng giá trị thanh toán viện phí tại các cơ sở Y tế tuyến huyện, tỉnh”.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ như tiếp tục khởi tạo dữ liệu Hồ sơ sức khỏe người dân và kết nối với dữ liệu Hồ sơ sức khỏe Quốc gia; Cập nhật dữ liệu sức khỏe thường xuyên, liên tục, đầy đủ, chính xác và được xác thực với CSDL Quốc gia về dân cư; Kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng.