(CTTĐT) - Sáng ngày 25/09, Đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Phạm Duy Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt chương trình chuyển đổi số và thúc đẩy việc xây dựng chính quyền số, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến hành số hóa các dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng. Bên cạnh đó tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như Y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp.
Đặc biệt tại Thừa Thiên Huế có Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều ứng dụng thông minh và hoạt động rất hiệu quả. Nhất là ứng dụng Hue - S của Trung tâm đã phát huy tác dụng rất rõ rệt trong công tác phòng chống, dịch bệnh, phòng chống thiên tai, phản ánh hiện trường... Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển người dùng ví điện tử trên nền tảng Hue-S, đến nay đã có trên 33.000 tài khoản ví đã được đăng ký. Phối hợp nghiên cứu triển khai thành công giải pháp QR hai chiều phục vụ nghiệp vụ tạm ứng – thanh toán – hoàn ứng viện phí cho các cơ sở khám chữa bệnh qua Hue-S. Triển khai 100% các cơ sở khám chữa bệnh, 100% các nhà thuốc chấp nhận thanh toán qua Hue-S.
Triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp; đáp ứng đầy đủ tính năng gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị gắn với việc sử dụng chữ ký số cho 100% các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp nhà nước có tham gia gửi nhận văn bản. Tiếp tục khai thác sử dụng hiệu quả Hệ thống thư điện tử công vụ trong việc trao đổi thông tin của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
Đoàn Công tác tỉnh Bắc Kạn trao đổi tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế và Bắc Kạn đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tập trung các nội dung về xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.Tìm hiểu các thành phần cơ bản của hệ sinh thái chuyển đổi số Huế. Kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số một cách đồng bộ và xuyên suốt 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã. Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng công dân số, các dịch vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số và khối cá thể hóa người dùng; việc xây dựng mô hình CĐS (xã, huyện, cơ quan thông minh, công dân số…); cơ chế thực hiện, khó khăn và giải pháp khắc phục. Việc triển khai, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh; việc đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Việc triển khai nền tảng du lịch thông minh, nền tảng địa chỉ số, giao thông thông minh và các nền tảng khác…phục vụ, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Kinh nghiệm triển khai thực hiện các chỉ số DTI tại tỉnh; việc xây dựng chiến lược dữ liệu và các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến. Lộ trình triển khai xây dựng hạ tầng số, hoạch định và xây dựng Kho dữ liệu; lộ trình tích hợp dữ liệu, hoàn thiện các hệ thống thông tin, CSDL ngành, giải pháp xử lý dữ liệu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhìn từ thực tế cho thấy, việc xây dựng chính quyền số tại Thừa Thiên Huế đang có nhiều thuận lợi để phát triển; tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng được việc chuyển đổi số toàn diện thì Thừa Thiên Huế tập trung bám sát theo định hướng của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, tạo các giải pháp đồng bộ, liên kết dữ liệu của các ngành, lĩnh vực phục vụ nhiệm vụ trong triển khai chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cũng chia sẻ về định hướng trong thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, qua đó cần có sự đánh giá, rà soát cụ thể để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong thực hiện. Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: Y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công việc; đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc
Trao đổi với lãnh đạo và các ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đã đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong công tác cải cách hành chính, triển khai ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nhất là đã triển khai thành công mô hình Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC). Qua đó, với ứng dụng Hue-S đã tạo nên một diện mạo mới, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh…đã đóng góp quan trọng vào công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá của Thừa Thiên Huế sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Bắc Kạn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: