(CTTĐT) - Sáng ngày 20/7, Đoàn công tác của UBND tỉnh Tây Ninh do đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, phát triển du lịch và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ Chính quyền điện tử sang Chính quyền số, cụ thể là đã xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông đồng bộ, Thừa Thiên Huế đã xây dựng hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ đô thị thông minh. Tỉnh đã xây dựng và triển khai các ứng dụng từ tỉnh đến xã như các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến hành số hóa các dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng. Thực tiễn vận hành các dịch vụ đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền. Đặc biệt tại Thừa Thiên Huế có Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều ứng dụng thông minh và hoạt động rất hiệu quả. Nhất là ứng dụng Hue - S của Trung tâm đã phát huy tác dụng rất rõ rệt.
Chỉ đạo quyết liệt công tác cải thiện môi trường đầu tư với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Đã thực hiện quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn Công tác tỉnh Tây Ninh trao đổi tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh bày tỏ ấn tượng với những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua. Hai bên đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tập trung các nội dung về xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính. Tìm hiểu các thành phần cơ bản của hệ sinh thái chuyển đổi số Huế. Kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số một cách đồng bộ và xuyên suốt. Hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Giải pháp kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc xây dựng chiến lược dữ liệu và tích hợp dữ liệu, hoàn thiện các hệ thống thông tin, CSDL ngành, giải pháp xử lý dữ liệu. Đồng thời, trao đổi về ứng dụng chuyển đổi số để phát triển du lịch; các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ tại buổi làm việc
Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhìn từ thực tế cho thấy, việc xây dựng chính quyền số tại Thừa Thiên Huế đang có nhiều thuận lợi để phát triển; tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng được việc chuyển đổi số toàn diện thì Thừa Thiên Huế tập trung bám sát theo định hướng của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành để phối hợp triển khai thực hiện, tạo các giải pháp đồng bộ, liên kết dữ liệu của các ngành, lĩnh vực phục vụ nhiệm vụ trong triển khai chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử được triển khai thực hiện kể từ năm 2019 ngay từ khi Chính phủ khởi động Đề án “chuyển đổi số Quốc gia”; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, cải tiến công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân, “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,...
UBND tỉnh cũng đã quyết tâm trong việc quyết định thành lập 04 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. Hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án, dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính của các sở ngành cấp tỉnh; xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật cũng được các sở ban ngành triển khai liên tục đến quý doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc
Trao đổi với lãnh đạo và các ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong công tác triển khai ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, là địa phương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước trong các chỉ số. Tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, cải thiện các chỉ số trong chỉ đạo, điều hành. Qua đó, với những kết quả đạt được trong chuyển đổi số đã tạo nên một diện mạo mới, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh…đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với những cách làm hay, sáng tạo, đột phá của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác triển khai chuyển đổi số, phát triển du lịch và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh Tây Ninh học hỏi, trao đổi kinh nghiệm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Lãnh đạo hai tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: