(CTTĐT) - Sáng ngày 20/10, HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
HĐND tỉnh cũng thảo luận các tờ trình, đề án và biểu quyết thông qua 14 nghị quyết. Đây là những quyết sách quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
HĐND tỉnh đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu
Trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý; điều chỉnh phương án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2021 và năm 2022; thông qua Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Cụ thể, sau khi giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui trình bày tóm tắt tờ trình về Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với việc đề nghị thông qua Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất về quan điểm phát triển; mục tiêu phát triển; các khâu đột phá; phương hướng phát triển; phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và phát triển các khu chức năng; phương án phát triển cơ cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển kế cấu hạ tầng xã hội; phương án phân bổ và khoanh vùng sử dụng đất đến năm 2030; phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục dự án ưu tiên; các nhóm giải pháp chủ yếu, nhằm cụ thể hoá mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Tại kỳ họp
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy nội dung quy hoạch tỉnh được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bám sát yêu cầu của nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch và hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, lãnh thổ.
Ban đề nghị UBND tỉnh cần bổ sung làm rõ những tiềm năng, thế mạnh trong mục tiêu, định hướng lớn của tỉnh; các khâu đột phá, phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng, phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội... hướng đến mục tiêu tổng quát là xây dựng trở thành tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Trên cơ sở báo cáo thẩm định Hội đồng thẩm định quốc gia, Ban đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến về các nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Quy hoạch tỉnh đảm bảo sự thống nhất giữa quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, bố trí không gian phát triển và giải pháp thực hiện; đảm bảo tính chính xác về số liệu, thời gian”, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hoàng Phú nhấn mạnh.
Ngoài những nội dung trên, kỳ họp lần này còn thông qua các nghị quyết liên quan đến việc bổ sung loại khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại các mỏ đất làm vật liệu san lấp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế; quy định tỷ lệ để lại phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt cho tổ chức cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; bổ sung danh mục công trình, dự án thu hồi đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2023;…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị các cấp, các ngành có kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.