Sáng ngày 09/11, Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức Hội thảo đánh giá hiện trạng cơ cấu giống lúa và đề xuất một số giống lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện. Tham dự và chủ tọa Hội thảo có đồng chí Trần Gia Công - TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Chính - HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Tân - HUV, Trưởng Phòng NN&PTNT. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; lãnh đạo Chi cục Phát triển Nông thôn; lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Khoa Nông học - Trường Đại học Nông Lâm Huế; lãnh đạo các Công ty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh.
Phú Vang là một huyện nông nghiệp, diện tích đất tự nhiên là 23.531,2 ha; diện tích đất nông nghiệp là 11.531 ha, trong đó có khoảng 70% hộ tham gia sản xuất nông nghiệp với cây lúa là chủ lực. Trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện, vấn đề đặt ra là cần phải bố trí, sắp xếp lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nhằm đánh giá lại hiện trạng cơ cấu giống lúa và đề xuất một số giống chất lượng cao trên địa bàn để xác định các giống lúa phù hợp trên từng nhóm chất đất theo từng vụ.
Tại Hội thảo, với các tham luận của các Hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học và đánh giá những mặt ưu điểm, khuyết điểm của các bộ giống, Ủy ban Nhân dân huyện nhận thấy giống lúa Khang Dân 18 vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giống lúa của huyện mặc dù giống lúa Khang Dân 18 đã dần bị thoái hóa và cho năng suất, giá trị thu hoạch của giống không ổn định. Vì vậy, Hội thảo đã đề xuất có những giống lúa vừa cho năng suất cao vừa có chất lượng gạo ngon như: J02, Hà Phát 3, Thiên Ưu 8,... thay thế phù hợp nhằm đáp ứng nhu câu tiêu thụ hằng ngày; có những giống cho năng suất cao phù hợp để sản xuất bún, bánh thay thế giống lúa Khang Dân 18 như: ĐB6, VNR10, VNR20,...
Thông qua Hội thảo sẽ góp phần giúp UBND huyện tìm ra các giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; đồng thời có thể chọn được cơ cấu giống lúa phù hợp với từng loại đất, thời vụ và chống chịu được các hiện tượng bất lợi của thời tiết với mục đích mang về lợi ích cao nhất cho người nông dân trên địa bàn huyện.