Tiện ích, rút ngắn thời gian
Có hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp cần giải quyết, anh Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Hồng Đức đến Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh để giao dịch. Với sự hướng dẫn nhiệt tình cùng thái độ niềm nở từ cán bộ ở đây, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, anh Đức đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp.
Anh Trần Minh Đức chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ giải quyết các TTHC giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều về thời gian, công sức, tiền của. Từ nay, người dân có thể ở nhà đăng ký qua mạng các dịch vụ công ở mức độ 3, mức độ 4 và có thể được dịch vụ bưu điện công ích trả hồ sơ tận nhà. Tôi mong muốn chính quyền triển khai các ứng dụng (app) để người dân, doanh nghiệp sau khi nộp hồ sơ có thể theo dõi tiến độ, thời gian hoàn thiện thủ tục ngay trên điện thoại.
Với sự gia tăng của các hoạt động dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích được phủ đều ở 100% xã, phường, thị trấn, người dân hiện có thể không phải đến trung tâm giải quyết thủ tục hành chính mà chỉ thực hiện ở nhà. Việc tiếp nhận, luân chuyển, đăng ký và trả kết quả tại nhà giúp công dân, tổ chức tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc. Đến nay, cổng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 2; 71,6% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 31% dịch vụ công mức độ 4. Các hoạt động này được triển khai trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, hiện đại, sử dụng thống nhất, đơn giản, hiệu quả.
“Để thực hiện mục tiêu tăng dần các thủ tục được giải quyết trên môi trường mạng, TTPVHHC tỉnh bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính (CCHC), đổi mới lề lối, phong cách làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, với phương thức phục vụ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo, quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử”- Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh Nguyễn Kim Tùng cho biết.
Phục vụ người dân tốt hơn
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn, hiện tất cả các dịch vụ công trực tuyến đều được số hóa và triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh áp dụng công nghệ tự động giám sát quá trình xử lý dịch vụ công của các cơ quan. Thông qua đó, phát hiện các vấn đề vi phạm như: nhận ngoài thành phần hồ sơ, xử lý hồ sơ chậm, nội dung xử lý không rõ ràng, quá hạn không xin lỗi… Thông qua đó, trung tâm sẽ nhận diện các vấn đề vi phạm để chuyển cho các cơ quan có liên quan có phương án xử lý, nhằm nâng cao hơn nữa việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong thời gian đến.
Đến nay, công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên rà soát đơn giản hóa TTHC, hệ thống hóa bộ TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính. UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định công bố TTHC chuẩn hóa thuộc chức năng quản lý chuyên ngành ở các cấp, các ngành. Công tác cải cách TTHC gắn với cơ chế một cửa, một cửa liên thông được rà soát, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng TTHC trong tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh thông tin, hiện tỉnh đang triển khai đánh giá về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ hành chính công. Năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân, góp phần đẩy nhanh chương trình CCHC của tỉnh. Đồng thời, liên thông dịch vụ để thực hiện nhiều chương trình, thủ tục mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân khi giao dịch các TTHC tận nhà.