Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc
Ngày cập nhật 11/10/2021
Sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; bàn nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Dự họp tại đầu cầu Thừa Thiên Huế có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
 
 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25/9–08/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 5 ca (giảm 10 ca so với tuần trước); TP. Hồ Chí Minh 15.070 ca (giảm 14.766); Bình Dương 400 ca (giảm 559); Đồng Nai 41 ca (giảm 19); Khánh Hòa 8 ca (giảm 57), Kiên Giang 13 ca (giảm 18).

Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.

Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Sau gần 2 năm chống dịch, chúng ta đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Các ý kiến tại cuộc họp cơ bản đồng tình với các báo cáo, đặc biệt là dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19, bổ sung một số ý kiến từ kinh nghiệm thực tiễn.

Qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Các ý kiến cũng thống nhất đánh giá, nhìn chung, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. Các số liệu về ca mắc mới, số ca điều trị khỏi khẳng định kết quả phòng chống dịch; số tử vong đang từng bước được kiểm soát, nhất là tại những điểm nóng đang có chiều hướng giảm dần từng ngày, từng tuần. Vừa qua có xuất hiện một số ổ dịch mới, nhưng do đã có kinh nghiệm và với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, tổ chức thực hiện tốt nên chúng ta kiểm soát được ngay.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực cố gắng hết mình của các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các địa phương vùng ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ…, các lực lượng tuyến đầu, các bộ ngành, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt, các tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng, cá nhân tình nguyện, cùng sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt kết quả nhất định trong phòng chống dịch. Thủ tướng đồng thời cảm ơn sự ủng hộ, vào cuộc rất tích cực, nhanh chóng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải quyết các đề xuất của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn là khâu còn yếu, chưa đồng đều. Nhiều địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả, nhưng có địa phương lúng túng, chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các công điện, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên hiệu quả có lúc có nơi chưa cao, ví dụ tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch. Công tác an sinh xã hội nhiều nơi làm tốt nhưng nhiều nơi làm chưa tốt; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần chủ trì tăng cường giám sát, kiểm tra công tác này. Việc chuẩn bị “4 tại chỗ” cần cố gắng hơn nữa.

Thủ tướng đúc rút một số bài học kinh nghiệm được các đại biểu nhấn mạnh tại cuộc họp.

Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Đồng thời, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.

Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, TP. Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện ra ca mắc nhờ xét nghiệm tầm soát, từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể, tới từng hộ gia đình, từng thôn, ấp, khu dân cư, xét nghiệm thần tốc diện rộng theo địa bàn, đối tượng nguy cơ. Tinh thần là phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhiều mất mát khác, nhất là về tinh thần, sức khỏe, tính mạng người dân.

Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.

Tất cả các địa phương phải thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất

Về tình hình, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời. Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, sau khi ban hành hướng dẫn tạm thời, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả.

Những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng lưu ý, các quy định, hướng dẫn, tiêu chí của Trung ương không thể phủ kín được thực tiễn, do đó, các địa phương phải đánh giá tình hình thực tế trên cơ sở các nguyên lý chung, phát huy tính năng động, sáng tạo và dựa vào kinh nghiệm có được trong thời gian qua.

Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và về huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Về xuất nhập cảnh, Tiêu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vaccine” có tính chất đối đẳng.

Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa; các địa phương phải hết sức linh hoạt, không ban hành “giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa.

“Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Thế nên phải tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, để người dân hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh nhưng phòng dịch hơn chống dịch, phòng dịch tốt thì tránh được lây nhiễm, nếu thực hiện các biện pháp y tế tốt, bảo đảm y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì vẫn tránh được tử vong, giảm được tử vong”, Thủ tướng chia sẻ với các địa phương.

Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch COVID-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi, thúc đẩy một số công việc mà lâu nay chúng ta đã làm song gặp khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cấp cơ sở…

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương đề xuất việc khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, không để sai phạm nhỏ thành vi phạm lớn.

Thủ tướng giao Bộ Y tế - Tiểu ban Y tế xây dựng kế hoạch chủ động về vaccine, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế cho năm 2022, trên cơ sở đó bố trí ngân sách phù hợp, tiết kiệm.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ trưởng đã nỗ lực cao nhất trong triển khai chiến lược vaccine  trong bối cảnh vaccine vẫn khan hiếm trên toàn cầu. Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh quan điểm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, không phân biệt các loại vaccine; sử dụng vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học, tập trung cho đối tượng ưu tiên (bổ sung thêm đối tượng ưu tiên là người trên 50 tuổi), địa bàn ưu tiên; dứt khoát chống tiêu cực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức cho học sinh đi học an toàn, những nơi đã an toàn thì cho học sinh học hành bình thường. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tập hợp các nguồn tài trợ trong chương trình “Sóng và máy tính cho em” để bàn giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.

Về các đề xuất của địa phương, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, xử lý, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 56