Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Thi công kè biển “vượt” mưa bão
Ngày cập nhật 19/09/2024
 
 
 

Thời gian thi công ngắn, lại cận kề mùa mưa bão nên các đơn vị thi công tuyến kè biển Phú Thuận (Phú Vang) đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 12 năm 2024.

Bảo vệ khu dân cư

Công trình kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn Tân An - Trung An - Xuân An (Phú Thuận, Phú Vang) được khởi công tháng 7, dự kiến hoàn thành tháng 12/2024 với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng (chi phí xây dựng 214 tỷ đồng) từ nguồn vốn khắc phục thiên tai.  Quy mô công trình dài 1.400m, bao gồm: Tuyến đê giảm sóng có chiều dài 550m; hệ thống mỏ hàn vuông góc bờ biển, gồm 2 mỏ hàn được bố trí xen kẽ giữa các tuyến đê giảm sóng, phần đầu mỏ hàn có chiều dài 150m; tuyến kè bảo vệ bờ gồm 2 đoạn có tổng chiều dài 850m.

 Dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, ngăn chặn xói lở, xâm thực bờ biển, từng bước phục hồi đường bờ ven biển vốn có, bảo vệ an toàn cho người dân ở khu dân cư tập trung và hình thành diện tích đất rừng phòng hộ ven biển.

Thi công đảm bảo tiến độ kè biển Tân An - Trung An - Xuân An (Phú Thuận, Phú Vang)

Những năm gần đây, sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận – Phú Hải (Phú Vang) diễn biến phức tạp ngay giữa mùa khô. Riêng đoạn xã Phú Thuận với tổng chiều dài bờ biển 4,4km đã có 3 vị trí sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 20-40m, trên chiều dài khoảng 2km. Trong đó, khu vực bờ biển từ thôn Tân An đến Xuân An là trọng điểm của sạt lở, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 860 hộ dân, với hơn 4.000 nhân khẩu. Từ trước đến nay, Phú Thuận đã được đầu tư gần 2,5km kè biển (kè bờ) và 0,55km kè ngầm với tổng mức đầu tư gần 354 tỷ đồng, còn 1,9km bờ biển chưa được đầu tư. Do vậy, việc tiếp tục đầu tư tuyến kè biển qua các thôn Tân An - Trung An - Xuân An ngoài ứng phó sạt lở, tạo nên bình phong che chở hướng đông bắc TP. Huế, còn giúp xã Phú Thuận ổn định dân cư, phát triển sản xuất, nhất là dịch vụ du lịch.

Ghi nhận của phóng viên sau khoảng 1,5 tháng thi công, công trình đã hoàn thành đúc cấu kiện, gia cố đá, lắp cấu kiện chân và mái tuyến kè bờ với tổng chiều dài 850m; đang nạo vét và đổ đá gia cố theo từng phân đoạn của tuyến đê ngầm dài 550m và hệ thống 2 mỏ hàn. Thời gian thi công ngắn, mùa mưa bão cận kề nên chủ đầu tư đang yêu cầu đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ công trình, tránh thiệt hại do thời tiết khi công trình đang xây dựng.

Thi công đảm bảo an toàn

Ông Lê Văn Mẫn, Trưởng phòng Kỹ thuật Ban QLDA cho biết, giải pháp của chủ đầu tư hiện nay là thi công theo phân đoạn và khóa điểm dừng kỹ thuật phù hợp. Ban đã yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất đến 30/9 này sẽ gia cố mái kè đạt cao trình khoảng +2.0m, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương thi công và huy động tối đa thiết bị, vật tư, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ công trình. Sau khoảng 1,5 tháng thi công đạt khoảng 20% khối lượng công việc theo hợp đồng. Do đặc thù công trình thi công trên biển, điều kiện thi công khó khăn, phụ thuộc thời tiết sóng gió, thời gian để thi công rất ngắn (nguồn vốn khắc phục lụt bão phải thi công hoàn thành công trình trong năm 2024), lại đang vào mùa mưa bão nên phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp và sớm hoàn thành các hạng mục cơ bản để tránh thiệt hại do thiên tai.

 Đoạn kè bờ qua xã Phú Thuận (Phú Vang) đã thi công hoàn thành vào năm 2023

Theo Ban QLDA, đối với hạng mục đê ngầm giảm sóng ngoài biển sử dụng khoảng hơn 100 nghìn m3 đá được vận chuyển bằng sà lan. Tuy nhiên, đối với tuyến kè bờ 2 đoạn với chiều dài 850m với khối lượng đá sử dụng khoảng 30 nghìn m3 phải vận chuyển trên đường bộ, mà cụ thể là trưng dụng đường dân sinh nên phần nào ảnh hưởng đến tình trạng giao thông trong khu vực.

Hiện nay, các phương tiện vận tải đã vận chuyển hơn 60% khối lượng đá cho công trình (bình quân 1 nghìn m3/ngày). Để đảm bảo an toàn giao thông, chủ đầu tư đã gửi văn bản, yêu cầu các đơn vị thi công vận chuyển đá di chuyển chậm khi vào đường dân sinh, sử dụng xe tải trọng phù hợp. Ban QLDA đã làm việc với chính quyền địa phương về cam kết hoàn trả đường công vụ và mong muốn người dân thông cảm cho chủ đầu tư trong điều kiện áp lực tiến độ, nhằm hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình trước mùa mưa bão.

 “Quá trình thi công chủ đầu tư thường xuyên nhắc nhở và có các văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện nghiêm túc về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và sử dụng phương tiện vận chuyển vật liệu trên các tuyến đường đảm bảo quy định, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực”, ông Mẫn khẳng định.

Từ năm 2014 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được khoảng 9,38km kè chống sạt lở bờ biển tại các đoạn xung yếu, nguy hiểm và ổn định cửa biển với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Các công trình kè chống sạt lở bờ biển đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, bảo vệ sản xuất, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

 

 

https://thuathienhue.gov.vn/
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 59