Phú Vang là mảnh đất giàu truyền thống với nhiều các loại hình văn hóa, trong đó, tiêu biểu và đặc sắc là các lễ hội truyền thống. Những năm qua, huyện đã quan tâm, chú trọng bảo tồn các lễ hội nhằm góp phần gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, gắn với phát triển du lịch, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Hiện nay trên địa bàn huyện có 67 làng truyền thống. Mỗi làng đều có đình làng để thờ cúng các bậc tiền nhân, khai canh, khai khẩn làng. Các Ban điều hành thôn, trưởng làng luôn chú trọng việc tổ chức lễ cúng tế thường năm, chăm sóc, bảo tồn những giá trị truyền thống của làng; phát huy vai trò của gia đình, dòng họ, làng xóm trong bảo tồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức lễ hội truyền thống ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thiết thực góp phần xây dựng môi trường văn hóa truyền thống lành mạnh, tạo động lực tinh thần thi đua lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế. Toàn huyện có 82 lễ và lễ hội, trong đó có các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Cầu ngư, đua thuyền truyền thống ở xã Vinh An; Lễ hội ra khơi đánh bắt ở Phú Thuận, lễ thu tế ở Đình làng An Truyền xã Phú An; Lễ hội đua ghe truyền thống huyện Phú Vang,... được duy trì tổ chức thường xuyên theo định kỳ và chú trọng nâng cao chất lượng. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội, không xảy ra hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa.
Qua đó, đã nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy. Các lễ hội cũng đã góp phần giao lưu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của huyện Phú Vang.
Di tích quốc gia đình làng An Truyền
Nhân lên các giá trị
Với 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, huyện Phú Vang đã tập trung chỉ đạo phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch và giáo dục lịch sử địa phương. Chú trọng khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa phục vụ phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Quảng bá du lịch gắn liền với các di tích như đình làng An Truyền, tháp Chăm Phú Diên... Bên cạnh đó, tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động trải nghiệm, các trò chơi dân gian, các giá trị truyền thống của địa phương được quảng bá và lan tỏa rộng rãi, thu hút du khách.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức chức cho học sinh, đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động “về nguồn”, thăm “địa chỉ đỏ”, dâng hoa, dâng hương các nghĩa trang liệt sỹ. Các đình làng, di tích văn hóa, lịch sử như: đình làng An Truyền, tháp Phú Diên, đình làng Hà Trung, Cồn Rang, Thanh Lam Bồ,… trở thành những địa chỉ tham quan học tập. Từ đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Lễ hội Hương sắc đầm phá, biển khơi năm 2023
Giải pháp và phát triển
Việc thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương gắn với phát triển du lịch đã tạo nên những sản phẩm văn hóa, du lịch khá hấp dẫn. Để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức, hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; nâng cao chất lượng các lễ hội tiêu biểu để xây dựng thành điểm du lịch lễ hội.
Tiếp tục tập trung chỉnh trang quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng cảnh quan môi trường du lịch. Xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra các sản phẩm đặc thù, mang bản sắc riêng của huyện Phú Vang. Chú trọng việc phát huy giá trị của các di tích, lễ hội truyền thống trong phát triển du lịch. Đẩy mạnh khai thác các phương tiện và công nghệ truyền thông hiện đại; tổ chức các sự kiện văn hóa mang tính tuyên truyền cao như hội chợ, lễ hội, các sự kiện thể thao lớn,... để tuyên truyền quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển du lịch của huyện. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa, du lịch, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch; xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa; xây dựng quy chế quản lý thiết chế văn hóa ở cơ sở. Hy vọng, không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà còn lan tỏa, quảng bá rộng rãi hình ảnh về con người và vùng đất Phú Vang anh hùng.