Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Phú Vang: Xác lập Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Champa Phú Diên
Ngày cập nhật 29/06/2022
Tối ngày 27/6, trong không gian di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Phú Diên, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND xã Phú Diên, Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) tổ chức Lễ công bố kỷ lục đối với Tháp Champa Phú Diên với tiêu chí “Tháp Chăm Phú Diên – tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam và thế giới”.

Đến tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương. Thành viên Hội đồng Worldkings toàn cầu, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Tiến sĩ Lê Doãn Hợp; cùng các thành viên trong Tổ chức kỷ lục Việt Nam; lãnh đạo Sở VH&TT; Bảo tàng Lịch sử tỉnh.

Về phía lãnh đạo huyện có TUV, Bí thư Huyện ủy Trần Gia Công; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hồ Thế Hùng; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Thanh Long; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; Thường trực HĐND-UBND-UBMTTQVN huyện; lãnh đạo chính quyền địa phương và đông đảo bà con nhân dân xã Phú Diên.

Ngày 18/4/2001, tại cồn cát ven biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang, nhóm công nhân khai thác khoáng sản ti tan trong khi đang làm việc đã phát hiện ra một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7m so với mặt đất. Sự việc được kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Ngay sau đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Bảo tàng Tổng hợp (nay là Bảo tàng Lịch sử) phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát địa điểm này.

Việc phát hiện Tháp Phú Diên dưới lòng cồn cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực sự thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các Nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Nhìn tổng thể Tháp Phú Diên là một khối kiến trúc hình chữ nhật. Càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp, dưói móng tháp là một lớp đá sạn cuội làm nền cho đế tháp.

Tháp Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa sớm nhất còn lại ở khu vực Miền Trung, khoảng thế kỷ VIII. Vị trí độc đáo, quá trình phát hiện tháp và giải pháp bảo tồn như đã tiến hành trong gần 20 năm qua đã thành công nhất định. Có thể khẳng định đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay.

Tháp Phú Diên đã hiện diện trên bản đồ du lịch địa phương, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nổi tiếng về một địa điểm độc đáo... là cơ sở, tiềm năng để phát triển du lịch. Từ giá trị vật chất đến giá trị tinh thần, từ công trình kiến trúc đến văn hóa tâm linh… đều là những tiềm năng có thể khai thác phục vụ cho hoạt động văn hóa, du lịch. 

Với những giá trị lịch sử nói trên, ngày 28/12/2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Quyết định xếp hạng Tháp Phú Diên là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia; ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí là “Tháp Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam”. Tiếp đến, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí “Tháp chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

Việc tổ chức Lễ công bố xác lập Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Champa Phú Diên nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với Di sản Văn hóa của cha ông để lại, khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam, những giá trị nổi bật về lịch sử. Nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy việc Bảo tồn các Di tích lịch sử, văn hóa của đất nước cũng như khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay. Thông qua buổi Lễ, nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hoá đối với bạn bè trong và ngoài tỉnh; thu hút du khách thập phương về với di tích lịch sử ở Thừa Thiên Huế; góp phần đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, khích lệ lòng tự hào dân tộc trong nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền sự hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của di tích lịch sử.

Chí Thức

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 615