Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội
Ngày cập nhật 11/07/2024
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, các chính sách tín dụng của tỉnh đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang thực hiện, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

 

Nguồn vốn vay từ NHCSXH giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững

 

 

Tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cùng với Ngân hành chính sách xã hội tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; chú trọng tới việc chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; nâng cao chất lượng công tác ủy thác và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, quá hạn.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,09%/tổng dư nợ, giảm 0,18% so với năm 2014. Toàn tỉnh, có 87/141 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 61,7%), có 446/515 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 86,6%); có 2.237/2.331 Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 96,0%).

Chính quyền các cấp đã có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, xác định là một trong những nhiệm vụ của địa phương, tích cực vào cuộc, cùng với NHCSXH trong công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn, qua đó nâng cao được vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách tín dụng; chỉ đạo đơn vị nhận ủy thác của NHCSXH bám sát vào các chỉ tiêu, thực hiện các nội dung ủy thác với NHCSXH nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.

Định kỳ hàng năm, Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm cơ sở để NHCSXH thực hiện cho vay; thường xuyên rà soát, bổ sung vào danh sách những hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, đủ điều kiện và cho ra khỏi danh sách những hộ đã thoát nghèo theo quy định.

Nhờ thực hiện công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn một cách thường xuyên, nên hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời khi có nhu cầu.

Huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Mặc dù nguồn thu ngân sách của tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố Huế còn hạn chế nhưng hàng năm, HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố đã quan tâm chuyển sang NHCSXH để bổ sung vào nguồn vốn cho vay. Đến nay nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cấp tỉnh đến cấp huyện chuyển sang NHCSXH tỉnh không ngừng tăng lên, tất cả các địa phương cấp huyện đều đã trích ngân sách địa phương hàng năm chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay theo định hướng của địa phương.

Các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết, nếu cuối năm 2014, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh hơn 31,5 tỷ đồng, thì sau 10 năm, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 263,7 tỷ đồng, tăng 232,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác cấp tỉnh là 171,9 tỷ đồng, tăng 148,1 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác địa phương cấp huyện là 86,3 tỷ đồng, tăng 84,1 tỷ đồng; nguồn vốn chủ đầu tư khác 5,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đầu năm 2024 HĐND, UBND tỉnh đã bổ sung 40 tỷ đồng sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh để cho vay đối với chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho vay người chấp hành xong án phạt tù.

Trong những năm qua, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tạo được lòng tin, sự đồng tình của nhân dân

Qua 10 năm (2014-2024) triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, phải khẳng định rằng đây là một quyết sách, chủ trương lớn của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và phù hợp với thực tiễn của đất nước, của từng địa phương. Thông qua phương thức ngân hàng cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc qua Tổ chức chính trị - xã hội, vốn tín dụng được giải ngân ngay tại xã có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, cộng đồng xã hội nên đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo được lòng tin, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, qua thực tế triển khai, nơi nào được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương thì ở đó hoạt động tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả cao. NHCSXH cũng đã xây dựng, vận hành và tổ chức thực hiện thành công mô hình tổ chức, phương thức hoạt động tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế, khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội đóng góp xây dựng hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững.

Với phương thức tín dụng giao dịch trực tiếp đối với người vay tại Điểm giao dịch xã, ủy thác một số nội dung công việc qua tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát của chính quyền, của cộng đồng xã hội, với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” NHCSXH luôn đồng hành sát cánh, mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, của địa phương đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực về một đầu mối giao NHCSXH quản lý, chuyển dần hướng sang thực hiện hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi thay vì cho không, tăng tỷ lệ nguồn vốn ủy thác địa phương nhằm thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, duy trì và thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc của hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

 

Tinhuytthue.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 42